Trồng xương rồng nở hoa không hề khó nếu bạn lưu ý 6 kỹ thuật sau

Khi nói đến các loại hoa đẹp để trang trí bàn làm việc, trang trí phòng khách hay những góc nhỏ riêng tư yêu thích, có lẽ nhiều bạn sẽ nghĩ ngay đến những loài hoa xinh đẹp như hoa ly ly, bông hồng, hướng dương, cẩm chướng… Còn đối với mình, câu trả lời chính là những bông hoa xương rồng nhỏ nhắn.

Dù vẻ ngoài của những người bạn thực vật mọng nước này hết sức bình dị, nhưng khi đến thời kỳ sinh sản, cây sẽ cho ra những bông hoa xương rồng đẹp với đủ màu sắc sặc sỡ, chẳng hề thua chị kém em. Không những thế, ý nghĩa của xương rồng và đặc biệt là khi cây nở hoa sẽ mang lại sự may mắn cho người sở hữu.

Hiện nay, các loại xương rồng cảnh đẹp có hoa cũng rất đa dạng về màu sắc và kích cỡ. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những kỹ thuật về cách chăm sóc xương rồng như thế nào tốt nhất để cây luôn khoẻ mạnh và ra hoa thật đẹp nhé.

hoa xương rồng nở đẹp rực rỡ
Hoa xương rồng nở đẹp rực rỡ

1/ Đất trồng

Là loại cây mọng nước ưa khô ráo, nên hỗn hợp đất để trồng xương rồng phải đảm bảo độ tơi xốp, thoáng khí và thoát nước tốt.

Những thành phần trong đất trồng sẽ gồm: phân bò, NPK, tro, trấu hun, cát hay sỏi nhỏ, sỉ than. Hai công thức gợi ý để bạn trộn đất đảm bảo độ thoáng khí như sau:

  • Hỗn hợp 1: 1 phần tro trấu + 1 phần xỉ than (than tổ ong sau khi đốt, đập vụn và chỉ lấy phần cục)
  • Hỗn hợp 2: 2 phần tro trấu + 4 phần xỉ than + 2 phân bò + 2 phần sỏi hay đá vụn.
đất trồng khô thoáng giúp xương rồng khoẻ mạnh
Đất trồng khô thoáng giúp xương rồng khoẻ mạnh

2/ Tưới nước cho cây

Có nguồn gốc từ những vùng xa mạc với khí hậu khắc nghiệt, nên cây xương rồng cảnh có khả năng chịu khô hạn và nắng nóng cao, nên ta chỉ cần cung cấp lượng ước vừa đủ để cây duy trì sự sống. Nếu tưới nhiều nước cây dễ bị úng nhũn, và ngược lại cây sẽ bị yếu và khô cằn khi lượng nước tưới quá ít.

cung cấp lượng nước vừa đủ giúp xương rồng duy trì sự sống
Cung cấp lượng nước vừa đủ giúp xương rồng duy trì sự sống

Một số lưu ý về cách tưới nước:

  • Loại nước: nước máy hay nước mưa là tốt nhất. Đối với nước máy, nên phơi nước khoảng một ngày để bốc hơi hết chất tẩy như clo.
  • Lượng nước: chỉ tưới dưới gốc cây lượng vừa đủ khoảng ¾ chậu để đảm bảo nước có thể thấm tới rễ.
  • Số lần tưới:
    • Bạn nên chịu khó quan sát tình trạng đất dưới gốc cây, nếu đất thật sự khô ráo thì mới tưới. Vì nhiều yếu tố như thời tiết, chậu trồng xương rồng có lỗ thoát nước không và cả loại cây cũng ảnh hưởng đến số lần tưới trong tuần.
    • Nếu vị trí đặt cây là nơi thông thoáng và có thể đón nắng trực tiếp như sân thượng hay ban công, nên tưới cây 2 lần/tuần. Trường hợp bạn đặt cây trong nhà thì chỉ cần tưới mỗi tuần 1 lần.
  • Thời điểm tưới: vào buổi sáng hoặc chiều lúc trời mát, tránh tưới cây và giữa trưa.

Khi bạn mới mua cây, thay chậu hoặc thay đất:

  • Trong trường hợp này, cây dễ bị va chạm và tổn thương, thời điểm này rất nhạy cảm và thường dẫn đến cái chết cho cây nếu bạn tưới nước liền.
  • Cần để cây khô ráo trong khoảng 3 ngày để những vết thương kịp khô và lành lặn, nếu không cây sẽ dễ dàng bị nhiễm trùng và mắc bệnh.

3/ Nhiệt độ thích hợp

Với sức sống vô cùng mãnh liệt, xương rồng mini cũng như các loại xương rồng và cây mọng nước khác có thể chịu được sự thay đổi nhiệt độ trong khoảng 10°C – 50°C để sinh tồn ngoài thiên nhiên. Tuy nhiên, khoảng nhiệt độ giao động lớn như vậy hoàn toàn không tốt, cây dễ bị suy yếu và có thể ngừng phát triển. Nhiệt độ phù hợp nhất để cây luôn khoẻ mạnh và căng tràn sức sống là từ 15°C – 28°C.

nhiệt độ thích hợp giúp xương rồng phát triển tốt và nở hoa đẹp
Nhiệt độ thích hợp giúp xương rồng phát triển tốt và nở hoa đẹp

4/ Ánh sáng

Tương tự sen đá, xương rồng cảnh cũng cần ánh sáng để phát triển, đặc biệt là ánh sáng mặt mời trực tiếp vào ban ngày. Mỗi ngày cây cần được tắm nắng từ 4-6 tiếng, thời điểm tốt nhất là 6h đến 11h sáng.

Trường hợp bạn dùng xương rồng mini làm cây cảnh trong nhà hay cây để bàn làm việc, thì nên tắm nắng cho cây ít nhất 3 ngày/tuần, có thể đặt chậu xương rồng ở cửa sổ, nơi đón được nắng vào buổi sáng. Nếu bạn lỡ bỏ quên cây quá lâu trong nhà, khi bắt đầu phơi nắng lại thì không nên phơi cây quá 6 tiếng, cây sẽ bị sốc nhiệt dẫn đến hiện tượng nám đen.

Đối với cây con hay hạt mới nảy mầm, vì cây còn yếu nên sẽ không chịu được ánh nắng trực tiếp, chỉ nên phơi cây khoảng 1h mỗi ngày vào buổi sáng.

hoa xương rồng nở vàng rực rỡ dưới ánh nắng
Hoa xương rồng nở vàng rực rỡ dưới ánh nắng

5/ Dinh dưỡng cho cây

Xương rồng ngày nay đã trở thành loại cây cảnh mini phổ biến được nhiều người ưa chuộng, để cây luôn khoẻ mạnh và tươi tốt thì việc cung cấp thêm dưỡng chất cũng là điều bạn cần quan tâm. Cũng như con người, thì vào độ tuổi trưởng thành các bé xương rồng cũng cần chất đạm giúp tăng trưởng thân, chất potassium giúp cho sự phát triển của hoa, trái và chất phosphorus giúp kích thích rễ phát triển.

6/ Bón phân giúp kích thích xương rồng nở hoa

Bón loại phân phù hợp theo từng thời kì phát triển của cây:

  • Thời kì cây con: bón phân NPK 16-16-8 kết hợp với 20-20-20.
  • Thời kì tăng trưởng: loại phân bón phù hợp để cây phát triển tốt là NPK 18-19-30, 20-30-20 (riêng với NPK 18-19-30 có thể dùng để bón thường xuyên)
  • Thời kì ra hoa, khi cây đến mùa sinh sản: dùng NPK 6-30-30.
  • Phân bón giúp kích thích ra hoa: NPK 10-60-10 (dùng lúc cây đang khoẻ, đến khi cây ra nụ thì ngưng để tránh làm cây bị suy yếu)

Liều lượng:

  • Để tưới: dùng từ 1 – 1,5g pha chung với 1 – 1,2l nước, tưới 10 – 15 ngày/1 lần.
  • Hoặc bạn có thể cung cấp dần dần dưỡng chất cho cây bằng cách sử dụng loại đất trồng có pha sẵn phân hữu cơ.

Có thể cung cấp thêm các loại phân vi lượng như zn, Ca, Na Cu, Mn, Bo, Mg… ở mức độ vừa đủ và tưới xịt 1 tháng/lần.

xương rồng bát tiên nở hoa
Hoa của xương rồng bát tiên màu hồng đẹp chưa nè!

Tuy nhiên, cây sẽ không ra hoa trong những trường hợp sau:

  • Do cây chưa đến mùa sinh sản thì dù cho bạn có bón thúc thì cây cũng không thể ra hoa, tuỳ loại xương rồng mà thời kỳ có thể là vài tháng, vài năm hoặc mấy chục năm.
  • Cây bị ứng nước và thiếu nắng cũng không thể ra hoa.
  • Vì quá thương yêu mà cho các bé xương rồng quá nhiều đạm, dù cây tươi tốt nhưng cũng không thể ra hoa. Bí quyết là để cây bị hạn kéo dài, không bón phân đạm thì cây mới ra hoa, hoa bền màu và lâu tàn hơn.
xương rồng chỉ nở hoa khi đến thời kỳ sinh sản
Xương rồng chỉ nở hoa khi đến thời kỳ sinh sản

Để xương rồng nở hoa cũng không hề khó phải không các bạn, hãy kiên nhẫn và tuân thủ theo những kỹ thuật trồng cây, rồi đến một ngày hoa xương rồng nở rộ do chính bàn tay ta chăm sóc, sẽ rất tuyệt vời phải không nào.

Rate this post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *